Trang thông tin điện tử Trung tâm TGPL Nhà nước

Câu chuyện pháp lý

Xem với cỡ chữAA

Sinh con với “chồng mới” khi chưa ly hôn: Làm sao để xác định cha cho con?

(15:08 | 20/05/2025)

        Trong thực tế, không ít trường hợp vợ chưa ly hôn nhưng đã có con với “chồng mới”. Điều này dẫn đến việc trẻ không được ghi tên cha trong giấy khai sinh, gây ra nhiều vướng mắc pháp lý và ảnh hưởng quyền lợi cho những người trong cuộc.

Chưa ly hôn với “chồng cũ”, đã sinh con với “chồng mới”

         Chị Hồ Thị Mỹ Linh (TP.HCM) đã từng là vợ của anh Trần Quốc Huy, nhưng hai người ly thân trong nhiều năm mà không thực hiện thủ tục ly hôn.

       Trong thời gian này, chị Linh chung sống như vợ chồng với anh Nguyễn Trọng Kha và có với nhau ba người con sinh năm 2018, 2021 và 2022.

         Do vướng ràng buộc pháp lý về hôn nhân, các con của chị Linh đều mang họ mẹ và phần “cha” trong giấy khai sinh để trống.

        Đến cuối năm 2024, chị Linh và anh Huy hoàn tất thủ tục ly hôn. Sau đó, chị đăng ký kết hôn với anh Kha theo đúng quy định.

       Hiện nay, vợ chồng chị mong muốn được pháp luật công nhận quan hệ cha – con, đồng thời bổ sung tên cha vào giấy khai sinh và thay đổi họ của các con sang họ cha.

Tòa án có thẩm quyền xác định cha cho con

       Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục việc dân sự.

        Do các con của anh Kha được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân còn đang tồn tại giữa chị Linh với anh Huy (trên danh nghĩa), nên thủ tục xác định cha cho con bắt buộc phải được giải quyết tại Tòa án.

       Đây là thủ tục đơn giản hơn so với khởi kiện vụ án, không có bị đơn và được áp dụng khi các bên đồng thuận (anh Huy, anh Kha và chị Linh đều không có tranh chấp).

       Việc xác định cha cho con thông qua Tòa án có nhiều ưu điểm như: (i) Có giá trị pháp lý cao, xác lập đầy đủ quyền và nghĩa vụ giữa cha và con theo quy định pháp luật. (ii) Làm cơ sở để thực hiện các thủ tục hành chính như bổ sung hộ tịch, điều chỉnh thông tin giấy tờ tùy thân, hồ sơ bảo hiểm, giáo dục… (iii) Không bị giới hạn bởi hồ sơ hành chính, phù hợp với các trường hợp thiếu chứng cứ rõ ràng hoặc không thể giải quyết tại UBND.

Tư vấn pháp luật miễn phí tại huyện đảo Kiên Hải - Kiên Giang

Về thủ tục yêu cầu xác định cha cho con

       Người yêu cầu (thường là cha hoặc mẹ) nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người con cư trú, bao gồm: Đơn yêu cầu xác định cha cho con; bản sao giấy khai sinh của con; bản sao căn cước công dân của cha, mẹ; giấy đăng ký kết hôn (nếu có); chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con (kết quả giám định ADN).

       Lưu ý: Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên, cần có ý kiến đồng ý bằng văn bản của con.

      Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ (nếu cần), triệu tập các bên liên quan đến làm việc. Nếu không có tranh chấp và hồ sơ đầy đủ, Tòa án sẽ mở phiên họp, ra quyết định công nhận quan hệ cha – con theo thủ tục việc dân sự.

Tuyên truyền pháp luật ở huyện đảo Kiên Hải - Kiên Giang

Bổ sung hộ tịch và cải chính họ cho con

       Sau khi có quyết định của Tòa án, người yêu cầu liên hệ UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh để thực hiện thủ tục bổ sung hộ tịch.

      Việc thay đổi họ cho con được thực hiện theo Điều 26 Luật Hộ tịch năm 2014 và Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015.

      Cha mẹ cần chứng minh việc đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ cha là vì lợi ích chính đáng của con, như: tạo thuận lợi trong học tập, giao tiếp, bảo đảm quyền nhân thân, truyền thống dòng họ...

       Hồ sơ gồm: Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; bản chính quyết định của Tòa án công nhận cha - con; bản chính giấy khai sinh của con; căn cước công dân của cha mẹ,…

      UBND xã/phường nơi đã đăng ký khai sinh trước đây sẽ xem xét và ra quyết định bổ sung, cải chính hộ tịch, sau đó cấp lại trích lục khai sinh mới theo họ cha.

       Cần tăng cường phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình

      Việc thực hiện các thủ tục như ly hôn, đăng ký kết hôn, hoặc xác định cha mẹ cho con không chỉ đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của vợ chồng và con cái, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện các giấy tờ hộ tịch, hỗ trợ quyền lợi trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày.

       Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít người dân vẫn thiếu kiến thức pháp lý cơ bản về hôn nhân và gia đình. Do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là rất cần thiết.

       Vậy nên, các cơ quan chức năng và địa phương cần chủ động thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí, tổ chức truyền thông, hội thảo cộng đồng để giúp người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật, giảm thiểu tranh chấp và bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của trẻ em.

Định Giang