Việc ban hành Pháp lệnh 2024 nhằm khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh 2012, mở rộng phạm vi miễn, giảm chi phí tố tụng, giúp nhiều người tiếp cận công lý mà không gặp rào cản tài chính.
Mở rộng đối tượng được miễn, giảm chi phí tố tụng: Pháp lệnh 2012, chỉ có người nghèo theo quy định của Chính phủ mới được miễn tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định.
Theo Pháp lệnh 2024 mở rộng đáng kể nhóm người được miễn tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, bao gồm: giữ nguyên từ Pháp lệnh 2012 đối với người nghèo, bổ sung 08 nhóm đối tượng: trẻ em; người thuộc hộ cận nghèo; người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ; người nhiễm chất độc da cam.
Việc mở rộng này thể hiện tính nhân văn, bảo đảm công bằng xã hội, giúp nhóm yếu thế tham gia tố tụng mà không lo gánh nặng tài chính.
Quy định rõ hơn về giảm chi phí tố tụng: Pháp lệnh 2012 quy định chung chung rằng người có khó khăn về kinh tế có thể được UBND cấp xã hoặc tổ chức xác nhận để được giảm chi phí giám định, nhưng không quy định mức giảm cụ thể, gây khó khăn trong thực tế áp dụng.
Pháp lệnh 2024 khắc phục điều này bằng cách: xác định rõ đối tượng được giảm phí: người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến mất khả năng tài chính. Quy định mức giảm cụ thể: tối đa 50% chi phí tố tụng. Ngăn chặn lợi dụng chính sách: nếu có bằng chứng chứng minh người đó có khả năng tài chính nhưng cố tình trốn tránh nghĩa vụ, họ sẽ không được giảm chi phí tố tụng.
Những sửa đổi này giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hệ thống tư pháp.
Quy định chi tiết về thẩm quyền xét duyệt miễn, giảm chi phí tố tụng, Pháp lệnh 2024 quy định: trước phiên tòa, Thẩm phán phụ trách vụ án xem xét và ra quyết định miễn, giảm. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền quyết định ngay lập tức. Vụ việc dân sự không qua xét xử, Thẩm phán giải quyết vụ việc sẽ ra quyết định.

Ảnh minh họa
Thủ tục đề nghị miễn, giảm chi phí tố tụng rõ ràng hơn: Pháp lệnh 2012 yêu cầu người đề nghị miễn, giảm chi phí tố tụng phải nộp đơn kèm bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh, gây khó khăn cho người dân. Trong khi đó, Pháp lệnh 2024 quy định kèm theo đơn là tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, không quy định phải chứng thực.
Pháp lệnh 2024 quy định thời gian cụ thể: (1) Người đề nghị miễn, giảm gửi đơn trong vòng 05 ngày làm việc từ khi nhận thông báo nộp tiền từ Tòa án. (2) Tòa án xét duyệt trong 05 ngày làm việc và thông báo kết quả bằng văn bản. (3) Nếu xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ quyết định ngay lập tức.
Như vậy, Pháp lệnh 2024 mang lại nhiều thay đổi tích cực so với Pháp lệnh 2012, mở rộng đáng kể nhóm đối tượng được miễn, giảm chi phí tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế.
Ngoài ra, việc quy định chi tiết về thẩm quyền xét duyệt và thủ tục đề nghị miễn, giảm chi phí giúp nâng cao tính minh bạch, công bằng trong hệ thống tư pháp.
Nhìn chung, Pháp lệnh mới không chỉ thay thế quy định cũ mà còn hoàn thiện hơn cơ chế tài chính trong tố tụng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và xây dựng hệ thống tư pháp minh bạch, công bằng hơn.