Trang thông tin điện tử Trung tâm TGPL Nhà nước

Hoạt động ngành

Xem với cỡ chữAA

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân tộc thiểu số được hưởng ưu đãi gì về trợ giúp pháp lý?

(15:42 | 13/05/2024)

      Bảo đảm công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí chất lượng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để họ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

 

Người dân tộc thiểu số thuộc trường hợp nào thì được trợ giúp pháp lý?

        Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đầu tư, ưu tiên cho người dân tộc thiểu số nhưng nhìn chung đời sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, bên cạnh các chính sách về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… còn có chính sách về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

       Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực III, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì Kiên Giang có 49 xã. Người dân tộc thiểu số  được quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc: “dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ở nước ta hiện nay, dân tộc đa số là dân tộc Kinh, 53 dân tộc còn lại như Khmer, Hoa,…đều là dân tộc thiểu số.

       Trước đây, theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 người dân tộc thiểu số “thường trú” (có Sổ hộ khẩu) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được trợ giúp pháp lý, thì nay theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 người dân tộc thiểu số “cư trú” (thường trú, tạm trú) theo Luật Cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều được trợ giúp pháp lý. Như vậy, Luật đã có sự kế thừa và phát triển, nhằm tạo điều kiện hơn để người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí. 

        Cụ thể, diện người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm 14 nhóm đối tượng: (1) Người có công với cách mạng (theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng). (2) Người thuộc hộ nghèo. (3) Trẻ em. (4) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (5) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. (6) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. (7) Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo hoặc đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng): (a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; (b) Người nhiễm chất độc da cam; (c) Người cao tuổi; (d) Người khuyết tật; (đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; (e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; (g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; (h) Người nhiễm HIV.

        Như vậy, trong lĩnh vực này người dân tộc thiểu số được ưu tiên hơn khi cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được trợ giúp pháp lý, còn lại cũng bình thường như dân tộc đa số khác (dân tộc Kinh) phải là người có công với cách mạng, người thược hộ nghèo, trẻ em,...theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý thì mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Ảnh minh họa: nguồn internet

Trợ giúp pháp lý Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,  bao gồm những hoạt động nào? 

       Hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Tư pháp có Công văn số 6079/BTP-TGPL, ngày 08/12/2023 nhằm đảm bảo quyền cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý khi họ có vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Các hoạt động về trợ giúp pháp lý bao gồm: 

      - Nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: thực hiện khảo sát, nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin truyền thông trực tiếp điểm về trợ giúp pháp lý… tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

     - Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có khả năng cung cấp thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;…

     - Xây dựng các chương trình về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số phủ sóng các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: xây dựng các chương trình trên đài truyền hình, truyền thanh, trang thông tin, phim tài liệu, các chương trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

      - Tổ chức chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: khảo sát, thực hiện các đợt hội nghị chuyên đề điểm cung cấp thông tin, kết nối cộng đồng về trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, cán bộ thuộc các cơ quan có liên quan, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng… tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

      - Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số: biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp trợ giúp pháp lý, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý, cẩm nang pháp luật trợ giúp pháp lý, sổ tay trợ giúp pháp lý và các ấn phẩm tài liệu trợ giúp pháp lý khác cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

      Về phạm vi, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp: người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương hoặc vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương, vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu. Về hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: (1) Tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc. (2) Bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý khi họ là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. (3) Đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý do Nhà nước chi trả

       Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Do vậy, dịch vụ pháp lý được quy định là một dịch vụ công thiết yếu của Nhà nước, do Nhà nước đảm bảo thực hiện. Người được trợ giúp pháp lý không phải trả tiền thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước), mà tiền thù lao này do Nhà nước chi trả. 

       Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý, Luật quy định: khi giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý thì các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) có trách nhiệm tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng để bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Chi tiết việc phối hợp bảo đảm thực hiện quyền này, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10 ngày 29/6/2018; Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021, trong đó tại Điều 17a quy định “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này”.

       Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, nếu người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt hoặc người được trợ giúp pháp lý là người câm, người điếc thì được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hỗ trợ người phiên dịch, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng được trợ giúp pháp lý bằng biện pháp phù hợp và toàn bộ chi phí do Nhà nước chi trả. 

Ths. Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang