Hỏi: Chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Đối tượng được hỗ trợ cải thiện về nhà ở là người đang hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020. Các hình thức hỗ trợ gồm:
- Tặng nhà: Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước;
- Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định tại Điều 102 Nghị định này.
Nguyên tắc hỗ trợ nhà ở là: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của người có công với cách mạng. Căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; Bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan (Điều 2 Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2013).